Nhà truyền thống Nhà truyền thống

« Quay lại

NHÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG NGƯỜI HOA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào người Hoa Thành phố đã sát cánh cùng các dân tộc anh em vùng lên đấu tranh quyết liệt, chấp nhận mọi gian khổ và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc, tạo nên mùa xuân lịch sử năm 1975.

Tại Thành phố, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, năm 1959, Ban cán sự công vận người Hoa thành lập. Cuối năm 1967, Đảng ủy kiêm Ban Hoa vận T4 được thành lập.

Sự hình thành, phát triển của tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào người Hoa Thành phố cũng phát triển liên tục, toàn diện, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng người Hoa ngày một đông đảo, rộng khắp từ nhà máy đến trường học, từ chợ đến bệnh viện, từ ngoại ô đến xóm lao động.

Nhiều cơ sở đã tự nguyện dùng nhà ở của mình làm nơi cất dấu vũ khí, nuôi dấu cán bộ, nơi hội họp hoặc nơi huấn luyện quân sự cho cán bộ cơ sở Ban Hoa vận T4, biên soạn tài liệu tiếng Hoa tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Hoa tham gia cách mạng.

Đặc biệt, trong những thời kỳ khó khăn ác liệt của cách mạng, Đảng ủy Ban Hoa vận được sự tin cậy của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, đã tổ chức bảo vệ chu đáo các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định vào sâu trong nội thành công tác. Nhiều đồng chí đã được bố trí vào ở nhà các cơ sở bí mật của người Hoa sinh sống và làm việc. Nơi đâu cũng có hầm bí mật, hệ thống thông tin, phương tiện tự vệ vũ trang,… Căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 là một trong những cơ sở bí mật đó. Nơi đây đã từng che dấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng như Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên, Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Trần Văn Tựu (Sáu Hoàng, Sáu Vàng) và nhiều cán bộ khác của Ban Hoa Vận Thành ủy.

Lúc bấy giờ, chủ nhân của căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 là ông Lưu Vinh (còn gọi là Lưu Vinh Phong) – một doanh nhân người Hoa yêu nước. Năm 1949, ông tham gia Hoa kiều giải phóng Liên hiệp Hội (tức Hội giải liên) do xứ ủy Nam kỳ thành lập. Việc sản xuất kinh doanh vừa là kế sinh nhai, vừa là bình phong che mắt địch để ông hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở bí mật, vận động tài chính, tiếp tế thuốc men, vận chuyển vũ khí cho Ban Hoa vận T4.

Căn nhà này có một vị trí hết sức đặc biệt, nằm ngay trước mặt bót cảnh sát Ngụy Quận 6 và bên hông Toà Hành chính Ngụy Quận 6. Ở trên tầng gác thượng căn nhà có cả một trung đội cảnh sát dã chiến Ngụy chiếm đóng để bảo vệ hai cơ quan đầu não của chính quyền Ngụy. Thế nhưng tại đây, ông Lưu Vinh đã xây dựng 02 hầm bí mật để thực hiện nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ cách mạng với ý tưởng "nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất". Một hầm được bố trí dưới gầm bếp, có diện tích 2 m2, miệng hầm là chỗ để củi. Một hầm khác được bố trí ở trên gác lửng của tầng trệt, ở giữa hai tấm vách ngăn tường, với diện tích 0,54 m2, đủ chỗ cho 02 người trú ẩn.

Giữa năm 1968, ông Trần Văn Tựu - Chánh Văn phòng Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam, được ông Lâm Tư Quang bố trí đến ở tại đây để phục vụ cho đợt 2 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ông Trần Văn Tựu ở đây được 01 tháng trong sự bảo vệ, che chở rất an toàn.

Từ cuối năm 1968 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, căn nhà này từng là nơi ở, làm việc của đồng chí Trần Bạch Đằng - đang phụ trách Đảng bộ nội thành và là chỉ huy Bộ Tư lệnh Tiền phương trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đồng chí Mai Chí Thọ - Ủy viên thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và một số cán bộ lãnh đạo Ban Hoa vận.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), ông Lưu Vinh đã hiến căn nhà này cho Nhà nước. Sau đó, Thành phố đã giao căn nhà này cho Xí nghiệp quốc doanh chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre để vừa quản lý, sử dụng, vừa bảo quản, giữ gìn. Ngày 22/11/1989, theo đề xuất của Ban Công tác người Hoa Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành công văn số 5264/UB-NĐ chấp thuận giao lại căn nhà này cho Ban Công tác người Hoa Thành phố (nay là Ban Dân tộc Thành phố) quản lý, sử dụng cho công ích. Ngày 27/4/1997, căn nhà chính thức được mang tên "Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa thành phố Hồ Chí Minh".

Do giá trị lịch sử cũng như việc phát huy được giá trị trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước, một lòng một dạ theo Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của đồng bào người Hoa Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, ngày 15/10/2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4377/QĐ-UBND công nhận "Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa thành phố Hồ Chí Minh" là Di tích lịch sử cấp Thành phố.

Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa Thành phố đã đón tiếp gần 100 đoàn khách với hàng ngàn lượt người đến tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng, nghiên cứu về truyền thống đấu tranh cách mạng của người Hoa qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; phục vụ được nhiều đối tượng như: các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Thành phố, các Quận, Huyện, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, sinh viên, học sinh, thiếu nhi, các đoàn dân tộc ở các tỉnh bạn, các tầng lớp đồng bào Việt-Hoa trong và ngoài nước. Ngoài ra, đây còn là điểm đến tham quan, nghiên cứu của một số đoàn khách quốc tế như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...

Ngoài hoạt động trưng bày triển lãm những hình ảnh, hiện vật. Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa Thành phố còn là nơi tập hợp, sinh hoạt của Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối người Hoa Thành phố, cũng như là điểm tập hợp, sinh hoạt truyền thống, văn hóa, văn nghệ của các câu lạc bộ, đội nhóm thanh thiếu niên; qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ người Hoa tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước./.

Liên hệ tham quan di tích:

1.      Điện thoại Nhà Truyền thống: (08) 38551386 hoặc 0909088347 (chị Long Trường Thanh).

2.      Điện thoại Ban Dân tộc Thành phố: (08) 38548029 (Phòng Tuyên truyền).

C.Thanh (Bài / Ảnh)

 

 Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa thành phố Hồ Chí Minh.

 Hầm bí mật được bố trí ở trên gác lửng của tầng trệt căn nhà.

 Hầm bí mật được bố trí dưới gầm bếp căn nhà.

Thông báo mới

Chào mừng bạn đến với Website của chúng tôi!

Liên kết website Liên kết website