2-9-2023
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ vẫn hàm chứa những “mệnh lệnh chiến đấu” trong tình hình mới
Nội dung tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, trở thành mệnh lệnh đối với công tác cán bộ của Đảng, đặc biệt là công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng
(Thanhuytphcm.vn) - Nghiên cứu nội dung tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, trong bộn bề công việc của những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Trong tình hình hiện nay, quan điểm "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"(1) được Người viết trong tác phẩm đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, trở thành mệnh lệnh đối với công tác cán bộ của Đảng, đặc biệt là vấn đề chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Xuyên suốt tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người dã dành nhiều trang viết vừa mang tính lý luận - phê bình sâu sắc, lại vừa hàm chứa chất liệu thực tế phong phú, gần gũi, để chỉ rõ vai trò tiên phong, cốt yếu của người cán bộ đối với mỗi tổ chức, mỗi phong trào. Từ đó, Người đề cập rõ ràng, cụ thể: "Cần phải biết huấn luyện cán bộ" như thế nào? "cần phải biết dạy cán bộ" ra sao? "cần phải biết lựa chọn cán bộ" hay "cần phải có chính sách cán bộ" sao cho đúng đắn, phù hợp? Quả thật, cụm từ "cán bộ" hoặc "cán bộ, đảng viên" được Người nhắc đến với tần suất dày đặc, lặp đi lặp lại trong cuốn sách nhỏ vỏn vẹn 53 trang giấy đã cho thấy tầm quan trọng cũng như sứ mệnh to lớn của "chủ thể" này đối với tổ chức, với Đảng và với dân tộc.
Chẳng thế mà sau này, khi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa (22/2/1957), trả lời cho câu hỏi "Cán bộ là gì", Hồ Chí Minh giải thích: "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được"(2).
Trở về lịch sử cách mạng Việt Nam năm 1947, thời điểm tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" ra đời là lúc Đảng ta đặc biệt cần một đội ngũ cán bộ có tài trí và sẵn lòng, vững chí "phụng sự Tổ quốc" trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bởi lẽ, nước nhà giành độc lập chưa được bao lâu lại phải tiếp tục bước vào một cuộc trường chinh mới để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Chính vì sự cần kíp nên Hồ Chí Minh đã gửi thư đến lãnh đạo các bộ, các tỉnh, các huyện, các làng tha thiết tìm người tài đức ra lo việc nước. Hơn lúc nào hết, Đảng cần cán bộ tốt để hoạch định chiến lược cho cuộc đấu tranh chắc chắn còn lâu dài và gian khổ; để chuyển thế và lực của cách mạng từ chỗ yếu thành chỗ mạnh, khiến cho địch từ mạnh thành yếu; để thiết kế phương châm tác chiến trước một đội quân xâm lược thiện chiến, nhà nghề; để hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh Pháp theo tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài",…
Với tư cách là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Hồ Chí Minh luôn xem cán bộ là "tiền vốn" của Đảng. Cán bộ tốt chính là báu vật quý của Đảng. Đồng thời, Đảng cũng cần hội đủ "tư cách" để dẫn dắt cán bộ, để giúp cán bộ chưa tốt trở nên tốt lên, tốt rồi trở nên tốt hơn nữa, tốt mãi. Ngược lại, cán bộ kém sẽ làm "hỏng" Đảng. Cái "hỏng" nguy đến mức khiến cho Đảng không thể tiến bộ mà chỉ "thoái bộ", từ đó dẫn đến "thất bại". Sự "thất bại" lớn nhất của Đảng không phải ở một việc, một thời điểm mà là ở "hệ giá trị" bên trong. Khi cán bộ không sẵn lòng "phụng sự" hay phụng sự chỉ vì khư khư mưu cầu lợi ích riêng, vị kỷ thì "chủ nghĩa cá nhân" sẽ xuất hiện. Nó là "điểm mẹ" đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội"(3). Nó là một thứ "giặc nội xâm" lúc nào cũng chực đục khoét tổ chức. Người đã từng nói: "Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi"(4).
Do đó, Đảng cần qui tụ đội ngũ cán bộ tốt. Càng có nhiều cán bộ tốt thì tự khắc cán bộ kém sẽ ít đi, hoặc từ chỗ "kém" trở nên tốt lên nếu Đảng biết cách giáo dục, huấn luyện cán bộ. Như vậy, cán bộ tốt không chỉ đóng góp cho Đảng bằng năng lực, tâm lực của mình mà còn có khả năng lan tỏa và dẫn dắt những cán bộ khác trở nên tiến bộ hơn một cách tự nhiên. Chính vì thế, người chỉ rõ, Đảng sở hữu cán bộ tốt giống như sở hữu nguồn "tiền vốn" dồi dào, trở thành hạt giống tinh túy giúp Đảng luôn vững vàng trước mọi sóng gió.
Như vậy, quan điểm "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" được Người nêu trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" thể hiện sự nhất quán trong tư duy của một bậc thầy chiến lược Hồ Chí Minh. Dù ở bất kỳ cương vị nào, bất luận khó khăn hay thuận lợi thì Người vẫn luôn trân quý từng nỗ lực dù nhỏ của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện tối đa để họ được phát triển tốt nhất, đồng thời, chính Người cũng luôn tự răn mình, tự làm giàu nhân cách và trí tuệ của mình để đủ "tư cách" trước Đảng, trước cán bộ của mình.
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh xưa nay gắn bó máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước, là thành quả chung của cả nước, nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả dân tộc Việt Nam. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017 ngày 24-11-2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra bệ phóng cho những đột phá mang tầm chiến lược. Trong diễn trình đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố luôn là những người năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị.
Đặc biệt, Đảng bộ Thành phố luôn "tập trung chỉ đạo đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thông tin định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tăng "sức đề kháng" của cán bộ, đảng viên; chú trọng nâng cao chất lượng việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng"(5). Công tác rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm, với nhiều chỉ đạo sâu sát, thiết thực: "Không thể chấp nhận bệnh thờ ơ, vô cảm trong bộ máy nhà nước. Mỗi tổ chức, cá nhân phải tự chấn chỉnh không để vô cảm kéo dài, bởi vô cảm kéo dài thì chính quyền không thể mạnh… Không làm được thì phải xin thôi, không xin thôi mà ở lại thì phải cố gắng làm được. Nếu làm tốt, Đảng và người dân sẽ ủng hộ"(6).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhìn lại quá trình phấn đấu và trưởng thành, Đảng bộ Thành phố cũng cần phải soi lại những khuyết điểm, tồn tại của mình, điển hình là thực trạng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ cương, kỷ luật… của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức và viên chức Thành phố, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thành phố và cả nước. Những vụ việc thời gian qua liên quan đến Khu đô thị Thủ Thiêm, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn… làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo, đứng đầu của Thành phố phải suy ngẫm, nhận ra những hạn chế, khuyết điểm, nhìn lại những nỗi bận tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, để từ đó có thể rút ra những giải pháp, việc làm cần thiết nhằm không ngừng xây dựng Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trong sạch, vững mạnh.
73 năm kể từ ngày Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", quan điểm của Người về cán bộ vẫn hàm chứa những "mệnh lệnh chiến đấu" trong tình hình mới. Trong thời gian tới, thành công của Đảng được định vị ở đội ngũ cán bộ đạo đức và minh triết để vừa "giữ mình" vừa "giữ Đảng", từ đó tự "xây mình" và "xây Đảng". Do đó, quan điểm "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" của Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc Đảng ta tiếp tục hành động, hành động không ngừng và quyết liệt, luôn "sửa đổi lối làm việc" để khẳng định năng lực và uy tín trước nhân dân, trước dân tộc.
Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm
(Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an
Nguồn - thanhuytphcm.vn
Tin khác
-
Bản Di chúc của Người là mệnh lệnh thiêng liêng để xây dựng đất nước
-
SGGPOChủ tịch nước và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2-9
-
Đoàn đại biểu Ban Dân tộc Thành phố dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân dịp Quốc khánh 2/9
-
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 78 năm Quốc khánh